Hiện nay công nghệ số và chuyển đổi số đã không còn là nhu cầu, sự lựa chọn, mà là một yếu tố bắt buộc để giúp cho doanh nghiệp bất động sản (BĐS) vượt qua được những khó khăn trong bối cảnh hiện nay. Đồng thời, đó cũng là cơ sở để xây dựng và phát triển thị trường BĐS một cách chuyên nghiệp, lành mạnh và bền vững.
Toàn cảnh Hội nghị xúc tiến chuyển đổi số cho thị trường BĐS Việt Nam - Ảnh: VGP/Toàn Thắng
Tại hội nghị xúc tiến chuyển đổi số cho thị trường BĐS Việt Nam, do Viện Nghiên cứu BĐS Việt Nam và Tạp chí điện tử BĐS Việt Nam phối hợp tổ chức vào ngày 7/10, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội BĐS Việt Nam. Ông Nguyễn Mạnh Hà cho biết, do tác động của đại dịch COVID-19, có nhiều thời điểm các hoạt động đầu tư, xây dựng, các dự án phải tạm dừng; quy trình, các thủ tục dự án nhà ở, khu đô thị đã được kiểm soát chặt chẽ hơn... bởi vậy, nguồn cung BĐS nhà ở tại các khu vực đô thị rất hạn chế trong 2 năm trở lại đây.
Theo báo cáo về tình hình thị trường BĐS hằng năm của Hội Môi giới BĐS Việt Nam, thì tình hình nguồn cung mới và các giao dịch nhà ở vào 6 tháng đầu của năm 2022 chỉ tương đương với cùng kỳ năm 2021 vào khoảng 22.000 sản phẩm. Do nhu cầu nhà ở còn rất lớn, nguồn cung rất ít, nên giá nhà ở, hay đất nền bị đẩy lên mặt bằng giá mới với giá cao hơn. Đặc biệt căn hộ bình dân có giá 25 triệu/m2 và hầu như không có trên thị trường Hà Nội và TPHCM.
Nhưng về trung và dài hạn, thì thị trường BĐS Việt Nam vẫn đang có xu hướng phát triển mạnh mẽ cả về số lượng lẫn chất lượng. Cùng với đó là xu thế chuyển đổi các cơ sở công nghiệp của các tập đoàn đa quốc gia trên thế giới, Việt Nam hiện đang là điểm thu hút đầu tư nước ngoài, cho nên thị trường BĐS công nghiệp cũng đang là 1 điểm sáng.
Các khu công nghiệp được phát triển đang có tỉ lệ lấp đầy tăng và đang kéo theo nhu cầu về nhà ở của công nhân làm việc tại các khu công nghiệp cũng tăng theo. Đây chính là phân khúc BĐS chủ lực trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, thị trường BĐS về du lịch, nghỉ dưỡng hiện vẫn còn nhiều tiềm năng phát triển, nhất những địa bàn mới.
Tọa đàm chuyển đổi số và công nghệ mới cho doanh nghiệp BĐS - Ảnh: VGP/Toàn Thắng
Lãnh đạo Hiệp hội BĐS Việt Nam khẳng định, xu hướng chuyển đổi số trong ngành tư vấn thiết kế, hay thi công xây lắp công trình, chăm sóc khách hàng, công nghệ đầu tư về tài chính, định giá BĐS và giao dịch, ngành bán hàng hiện đang phát triển mạnh mẽ.
Nhiều quốc gia bắt buộc các công trình công cộng khi đầu tư xây dựng phải đáp ứng được tiêu chí công trình xanh, hay công trình thông minh, nhiều công trình đô thị thông minh với quy mô ở cấp thành phố cũng đã được triển khai xây dựng mới, hoặc chuyển đổi từ các đô thị cũ.
BĐS bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19 trước yêu cầu bắt kịp với xu thế của thế giới, nhu cầu về chuyển đổi số trong lĩnh vực BĐS là rất lớn, tập trung nhiều vào các giải pháp công nghệ, các thiết bị cho phát triển công trình xanh, công trình thông minh; sử dụng số liệu phân tích hiệu quả đầu tư và chăm sóc khách hàng; số hoá trong quy hoạch, quản lý đất đai; công nghệ định giá BĐS tự động; quản trị rủi ro trong kinh doanh BĐS; các ứng dụng mua, bán BĐS.
Từ thực tế nêu trên ông Nguyễn Mạnh Hà nhấn mạnh: "Công nghệ số và chuyển đổi số đã không còn là nhu cầu, hay sự lựa chọn, mà là yếu tố bắt buộc để giúp doanh nghiệp BĐS vượt qua được những khó khăn trong bối cảnh hiện nay, đồng thời, là cơ sở để xây dựng và phát triển thị trường BĐS 1 cách chuyên nghiệp, lành mạnh, bền vững".
Tại sự kiện này, các doanh nghiệp, các chuyên gia đã trình bày tham luận, thảo luận các vấn đề về: Thực tiễn việc chuyển đổi số trong ngành BĐS hiện nay; tiềm năng, cơ hội và thách thức trong phát triển BDS, ứng dụng công nghệ vào thị trường BĐS tại Việt Nam; vai trò của công nghệ đối với các hoạt động của doanh nghiệp ở lĩnh vực BĐS trong thời đại 4.0. Đồng thời cũng nhận diện được xu hướng phát triển của công nghệ BĐS mới trong giai đoạn tiếp theo.
Tại hội nghị cũng đã diễn ra 1 lễ ký kết hợp tác và xúc tiến chuyển đổi số cho thị trường BĐS Việt Nam.