Trang chủ Tin Công nghệ RFID - công nghệ quản lý hàng hóa trong tương lai

RFID - công nghệ quản lý hàng hóa trong tương lai

RFID là viết tắt của cụm từ Radio Frequency Identification, nghĩa là việc nhận dạng bằng tần số của sóng vô tuyến. Hệ thống này gồm 3 bộ phận chính: thẻ RFID (tag), thiết bị đọc thẻ RFID (hay còn gọi là đầu đọc – reader) và các phần mềm vi tính.

Những điểm khác biệt giữa công nghệ RFID và công nghệ mã vạch

Khác biệt về khái niệm:

Mã vạch là sự thể hiện thông tin trong các dạng nhìn thấy trên các bề mặt của sản phẩm, hàng hóa mà máy móc có thể đọc được. Nguyên thủy thì mã vạch lưu trữ dữ liệu theo bề rộng của các vạch được in song song cũng như của khoảng trống giữa chúng, nhưng ngày nay chúng còn được in theo các mẫu của các điểm, theo các vòng tròn đồng tâm hay chúng ẩn trong các hình ảnh. Mã vạch có thể được đọc bởi các thiết bị quét quang học gọi là máy đọc mã vạch hay được quét từ hình ảnh bằng các phần mềm chuyên biệt.

RFID là viết tắt của cụm từ Radio Frequency Identification, nghĩa là việc nhận dạng bằng tần số của sóng vô tuyến. Hệ thống này gồm 3 bộ phận chính: thẻ RFID (tag), thiết bị đọc thẻ RFID (hay còn gọi là đầu đọc – reader) và các phần mềm vi tính. Thẻ RFID được gắn lên đến đối tượng cần theo dõi. Thẻ này có thể đính lên bất cứ sản phẩm nào, từ vỏ hộp đồ uống, đế giày, quần jean cho đến trục ôtô, các thùng chứa hàng hay kể cả người và động vật, vân vân. Các thẻ RFID được gắn chip nhỏ và anten siêu nhỏ bên trong nên khi đưa vào vùng điện trường của thiết bị đọc thẻ, thẻ sẽ nhận năng lượng để kích hoạt và truyền dữ liệu từ chip vào thiết bị đọc thẻ RFID, sau đó dữ liệu được chuyển về máy tính qua cổng giao tiếp.

Khả năng đọc/ghi: Mã vạch không thể sửa đổi được một khi chúng đã được in ra, do đó mã vạch được biết tới là một công nghệ RO (Read-only: chỉ đọc). Ngược lại, các thẻ RFID RW (Read-write: đọc ghi), lại có cả khả năng đọc và ghi tới bộ nhớ, và số lần định dạng thẻ trong suốt quãng đời tồn tại của nó có thể lên tới hàng nghìn lần, đây cũng là một phần đã khiến cho công nghệ RFID trở nên mạnh mẽ như vậy.

Không cần đường ngắm: Một ưu thế khác của công nghệ RFID so với các mã vạch là các hệ thống RFID không cần đến một đường ngắm giữa một thẻ và thiết bị đọc để có thể làm việc đúng. Bởi vì các sóng vô tuyến có khả năng lan truyền qua nhiều chất liệu rắn khác nhau, tức là hiệu quả đọc với các thẻ RFID nằm sâu ở bên trong một khay hàng không kém là bao so với các thẻ nằm trực tiếp trên đường ngắm. Nhưng với mã vạch thì khác, các mã vạch phải nằm trên đường ngắm của máy quét thì nó mới hoạt động đúng được. Điều này có nghĩa là các mã vạch phải được đặt ở bên ngoài bao bì cũng như các đối tượng được gắn thẻ không được đặt ở sâu bên trong khay hàng trong quá trình đọc. Trong các ứng dụng quản lý chuỗi cung ứng, trong hầu hết các thời điểm đều có một số lượng lớn hàng hóa di chuyển, nên rất khó để có được một đường ngắm của máy quét với một hàng hóa cụ thể. Đây chính là ưu điểm lớn của công nghệ RFID so với công nghệ mã vạch.

Phạm vi đọc: Phạm vi đọc của mã vạch có thể có được một khoảng khá dài.Thông thường các phạm vi đọc đó có giá trị vào khoảng cỡ vài chục cm. Tuy nhiên các phạm vi đọc của các thẻ RFID lại có một khoảng thay đổi khá rộng, phụ thuộc vào tần số hoạt động của hệ thống, kích thước anten và thẻ đang sử dụng là thẻ tíchcực hay thẻ thụ động. Thông thường, các phạm vi đọc của các thẻ RFID có thể chạy từ vài cm tới vài mét.

Tính bảo mật truy nhập: Dữ liệu mã vạch có tính bảo mật rất thấp. Bởi vì các mã vạch cần thiết phải có một đường ngắm nên phải được đặt rõ ràng ở bên ngoài bao bì, do đó bất cứ ai với một máy quét mã vạch chuẩn hoặc chỉ với một chiếc camera cũng có thể xem trộm hoặc ghi lại dữ liệu trên đó. Nhưng với các hệ thống RFID thì lại được cung cấp một mức bảo mật cao hơn rất nhiều.

Độ bền, tính nhạy cảm với môi trường: Công nghệ RFID có khả năng chịu  đựng tốt hơn với bụi bẩn và môi trường khắc nghiệt so với công nghệ mã vạch. Các mã vạch có thể sẽ không đọc được nếu như chúng bị bao phủ bởi bụi bẩn, hoặc là bị rách nát. Ngoài ra trong một môi trường với ánh sáng cường độ cao cũng có thể gây trở ngại cho máy quét mã vạch mà tồi tệ hơn là không thể đọc được các mã vạch. Riêng với công nghệ RFID thì các vấn đề này không ảnh hưởng gì nhiều tới nó.

Khả năng đọc ổn định: Trong các ứng dụng chuỗi cung ứng, đọc chính xác ngay lần đầu sản phẩm đi qua nó là rất quan trọng để duy trì hiệu quả hoạt động cao. Với các mã vạch thì thường phải được qua hệ thống tới hai lần hoặc thực hiện đọc bằng tay. Rõ ràng như vậy rất bất tiện và ảnh hưởng nhiều tới hoạt động chung của toàn hệ thống. Với các hệ thống RFID, thông qua các thuật toán chống xung đột và các tính năng RW, có thể loại bỏ được việc sản phẩm phải quét nhiều lần mới thu được thành công dữ liệu.

Giá thành: Giá thành của công nghệ RFID rất cao. Giá một thẻ thụ động vào khoảng 0,1 - 1,5 USD và một thẻ chủ động tầm 5 - 20 USD; và giá của đầu đọc thẻ vào khoảng 1000 - 3000 USD. Liên quan đến vấn đề chi phí, nên số lượng doanh nghiệp Việt Nam ứng dụng công nghệ này vẫn còn thấp. Ở các nước, thẻ RFID được gắn cho từng sản phẩm, còn ở Việt Nam để tiết kiệm chi phí, người ta thường gắn thẻ RFID vào các thùng chứa hàng, xe đẩy chứa hàng. Như vậy, chi phí là rào cản lớn nhất ngăn cản sự tăng trưởng của công nghệ RFID. Bởi vậy, RFID chưa thể thay thế hoàn toàn công nghệ mã vạch, mà chúng vẫn song hành với nhau.

Theo Manish Bhuptani, Chủ tịch Hãng cung cấp giải pháp RFID, Cleritec Systems thì luôn có một danh sách dài các sai sót mà nhiều công ty thường mắc phải khi thực thi RFID. Trong số đó có sự thiếu phân tích chi phí kỹ lưỡng (chỉ tập trung vào các chi phí mua sắm mà bỏ qua các chi phí bảo dưỡng lâu dài); không nhờ cậy các nhà tư vấn có chuyên môn; triển khai RFID xuyên suốt dây chuyền cung ứng mà không tổ chức kiểm tra, khảo sát nội bộ; và chỉ xây dựng một hệ thống tổng thể mà không quan tâm đến chi tiết cái nào thì mua, cái nào thì thuê. Bhuptani và nhiều chuyên gia RFID khác tin tưởng rằng về lâu dài RFID sẽ phổ biến như việc sử dụng các máy tính cá nhân trong kinh doanh ngày nay. “Nhưng cũng như những chặng đường phát triển đã đi qua, các công ty cần tiến những bước thận trọng để tránh các thất bại không đáng có”, Bhuptani cho biết.

Mặc dù chi phí đầu tư cao, nhưng nếu muốn đạt được lợi thế cạnh tranh bền vững thì các doanh nghiệp cần xem xét ứng dụng RFID vào hệ thống quản lý kinh doanh của mình, đặc biệt là các doanh nghiệp có sản phẩm đa dạng và lượng tồn kho lớn.

ST